Có bao nhiêu trong số những nguyên nhân này, đang kiềm chế khả năng của bạn?
Bi kịch lớn nhất của cuộc đời là ở chỗ: có rất nhiều người dù cố gắng hết sức nhưng họ vẫn thất bại. Và bi kịch là ở chỗ số người thất bại lớn hơn nhiều so với số người thành công.
Hãy chú ý đọc bản danh sách này, từng mục một, để tìm hiểu xem có bao nhiêu nguyên nhân thất bại đang ngăn cản bạn đến với thành công.
1. Có nền tảng “di truyền” không thuận lợi.
Nếu chúng ta sinh ra với năng lực trí tuệ thấp, chúng ta sẽ chẳng làm được bao nhiêu. Triết lý làm giàu đưa ra một biện pháp để khắc phục điểm yếu này – đó là nhờ sự trợ giúp của Nhóm Trí tuệ ưu tú.
Đây chỉ là một trong 30 nguyên nhân dẫn đến thất bại vì không phải ai cũng có thể khắc phục được điểm yếu này.
2. Thiếu mục đích rõ ràng trong cuộc sống.
Sẽ chẳng có hy vọng thành công nào cho những người không có mục đích sống rõ ràng.
Ít nhất thì có 98 trong số 100 người tôi phân tích không có mục đích rõ ràng trong cuộc đời. Có lẽ đây là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của họ.
3. Thiếu tham vọng vượt lên trên hiện thực.
Chúng tôi cho rằng không nên đặt nhiều hy vọng vào những người thờ ơ, không muốn vươn lên, những người không muốn trả giá để thành công.
4. Thiếu giáo dục.
Có thể dễ dàng khắc phục trở ngại này. Thường những người có trình độ cao chính là những người biết cách tự đào tạo và rèn luyện, bởi sẽ chẳng có một trường đại học nào có thể giúp bạn trở thành một người có giáo dục.
Người được coi là có giáo dục biết cách có được những gì anh ta muốn mà không xâm phạm đến quyền lợi của những người khác.
Người có giáo dục không phải là người có tất cả các kiến thức mà là người biết sử dụng tri thức một cách hiệu quả và bền bỉ.
Bạn được trả công không phải vì những gì bạn biết mà vì bạn làm gì với những kiến thức đó.
5. Thiếu ý thức kỷ luật.
Kỷ luật có được thông qua sự tự kiểm soát. Điều này có nghĩa là bạn phải kiểm soát tất cả các tật xấu của mình.
Trước khi muốn kiểm soát được người khác và kiểm soát được tình hình, bạn cần biết cách kiểm soát chính mình. Kiểm soát bản thân là việc khó khăn nhất.
Nếu bạn không thể chế ngự được bản thân, bạn sẽ bị nó chế ngự lại.
Mỗi khi đứng trước gương bạn sẽ thấy hình ảnh người bạn tốt nhất nhưng cũng là kẻ thù đáng sợ nhất của mình.
6. Sức khỏe kém.
Nếu bạn không có sức khỏe tốt thì đừng nên hi vọng có được thành công lớn. Nhiều nguyên nhân dẫn đến sức khỏe kém là do không biết kiểm soát và tự chủ bản thân.
Một số nguyên nhân chính trong đó là: Ăn quá nhiều thực phẩm không bổ dưỡng và không có lợi cho sức khỏe, Có thói quen suy nghĩ lệch lạc và tiêu cực.
Lạm dụng tình dục hoặc sinh hoạt không điều độ. Không chịu vận động và rèn luyện cơ thể. Thiếu không khí trong lành, hít thở không đúng cách.
7. Có tuổi thơ không lành mạnh.
Đa số những người có khuynh hướng phạm tội đều có tuổi ấu thơ sống trong môi trường xấu và có những mối quan hệ không lành mạnh.
8. Sự chần chừ.
Đây là một trong những nguyên nhân thất bại phổ biến nhất. Sự chần chừ tồn tại trong mỗi người và nó chỉ chờ thời cơ để phá hỏng cơ hội thành công của bạn.
Có rất nhiều người đến cuối đời vẫn hoàn toàn trắng tay cũng chỉ vì suốt đời chờ đợi thời điểm để bắt đầu làm công việc đáng để làm.
Đừng bao giờ chờ đợi, thời gian không chờ đợi ai. Hãy hành động ngay và sử dụng tất cả các phương tiện mà bạn có trong tay, rồi bạn sẽ tìm thấy phương tiện tốt hơn trong cuộc hành trình đến thành công của bạn.
9. Thiếu kiên nhẫn.
Phần lớn chúng ta là những người xuất phát giỏi nhưng không đủ kiên trì để đi đến cùng. Thêm nữa, mọi người thường có xu hướng từ bỏ khi nhận thấy những dấu hiệu thất bại đầu tiên. Không gì có thể thay thế nổi sự kiên trì.
Những ai coi kiên trì là phương châm làm việc của mình sẽ nhanh chóng nhận ra “ Kẻ thất bại ” rồi cũng sẽ mệt mỏi và ra đi. Thất bại không thể đương đầu với lòng kiên trì.
10. Tính cách tiêu cực.
Không có hy vọng thành công cho những người làm người khác khó chịu vì tính cách tiêu cực của họ.
Thành công đến qua việc áp dụng sức mạnh và sức mạnh này có được thông qua những nỗ lực hợp tác với người khác.
Một người có tính cách tiêu cực không thể là một người biết hợp tác.
11. Không kiểm soát được ham muốn tình dục.
Về mặt sinh học và di truyền học, năng lượng tình dục là thứ năng lượng mạnh mẽ nhất, nó có thể kích thích con người hành động.
Bởi đó là thứ cảm xúc mạnh nhất nên nó cần được kiểm soát thông qua quá trình chuyển hóa và biến đổi sang những kênh khác.
12. Không kiểm soát được đam mê cờ bạc.
Trò đỏ đen cờ bạc đã khiến cho hàng triệu con người thất bại.
13. Không dứt khoát khi đưa ra quyết định.
Hầu hết những người thành công đưa ra quyết định rất nhanh và khi thay đổi chúng thì bình tĩnh cân nhắc, Ngược lại, những người thất bại thì hay do dự khi đưa ra quyết định nhưng lại rất hay thay đổi quyết định và thay đổi rất nhanh.
Thiếu dứt khoát và chần chừ là hai anh em song sinh. Chỗ nào có một tên tồn tại thì chắc chắn sẽ có kẻ thứ hai. Chúng ta cần tiêu diệt cặp song sinh này trước khi chúng đấy bạn đến thất bại.
14. Một (hoặc nhiều hơn) trong sáu nỗi sợ hãi cơ bản.
Những nỗi sợ hãi này sẽ được phân tích trong chương cuối cùng, chúng phải được kiểm soát trước khi bạn có thể phát huy hết năng lực cá nhân một cách có hiệu quả.
15. Lựa chọn sai bạn đời.
Đây là nguyên nhân thất bại phổ biến nhất. Quan hệ trong hôn nhân là quan hệ gần gũi nhất trong các mối quan hệ của một đời người bởi nó ảnh hưởng đến những khía cạnh sâu kín nhất của cuộc sống.
Chính vì vậy, mối quan hệ này cần hài hòa, nếu không rắc rối và thất bại sẽ đến với bạn. Hơn thế nữa, nó sẽ là một dạng thất bại mang lại nghèo đói, bất hạnh và hủy hoại mọi tham vọng.
16. Quá cẩn thận.
Cẩn thận quá mức đến độ không biết cách tận dụng cơ hội mà mình có, vì vậy bạn sẽ tuột mất chúng. Cẩn thận quá mức cũng tồi tệ không kém gì hành động thiếu cẩn trọng. Tốt nhất ta nên tránh cả hai. Cuộc đời luôn có rất nhiều cơ hội dành cho bạn.
17. Lựa chọn sai đối tác kinh doanh.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân thất bại thường gặp nhất trong kinh doanh. Khi quảng bá năng lực cá nhân, bạn cần lựa chọn ông chủ tương lai thật cẩn thận.
Ông ta phải là người thông minh, tài năng, thành đạt thì khi đó, ông ta mới có thể truyền cảm hứng cho bạn.
Chúng ta phải cạnh tranh với những người mà chúng ta cộng tác chặt chẽ nhất. Hãy chọn một người xứng đáng để tranh đua.
18. Mê tín và định kiến.
Mê tín là một dạng của nỗi hãi. Nó cũng là dấu hiệu của sự ngu dốt. Người thành đạt là người suy nghĩ phóng khoáng và không sợ điều gì.
19. Lựa chọn sai nghề nghiệp.
Nếu làm việc mà không có hứng thú thì bạn sẽ không thể làm việc hiệu quả.
Điều quan trọng nhất trong việc quảng bá năng lực cá nhân là bạn cần lựa chọn công việc mình ưa thích. Và có thể tập trung cao độ để cống hiến cho công việc đó.
20. Thiếu tập trung nỗ lực.
“Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”. Nghề nào cũng biết thì không giỏi nghề nào cả. Hãy tập trung cao độ vào một mục tiêu chính.
21. Thói quen tiêu xài bừa bãi.
Những người tiêu xài hoang phí không thể thành công bởi họ luôn sợ nghèo đói.
Hãy tự rèn cho mình tính tiết kiệm bằng cách cất đi một phần thu nhập hàng tháng của bạn (15 % -20 % là lý tưởng nhất hoặc ít nhất cũng là 5 %).
Tiền gửi ngân hàng sẽ khiến bạn cảm thấy tự tin và can đảm hơn khi “mặc cả” để bán dịch vụ cá nhân mà bạn cung cấp.
Nếu không có tiền, bạn sẽ phải chấp nhận những thứ người ta đưa cho bạn mà vẫn phải nói lời cảm ơn
22, Thiếu nhiệt tình.
Nếu không có sự nhiệt tình, bạn không thể thuyết phục được người khác. Hơn nữa sự nhiệt tình, hưng phấn rất dễ truyền từ người này sang người khác.
Những người có lòng nhiệt tình và kiểm soát được nó luôn được đón chào nồng nhiệt trong bất cứ tập thể nào.
23. Hẹp hòi.
Người có quan điểm cứng nhắc sẽ không bao giờ thành đạt được.
Hẹp hòi nghĩa là không muốn tiếp thu kiến thức mới nữa. Hình thức nặng nề nhất của biểu hiện này liên quan đến các định kiến chính trị, chủng tộc và tôn giáo khác nhau.
24. Sống không điều độ.
Những dạng nguy hiểm nhất của việc sống không điều độ này có liên quan đến việc ăn uống; nhậu nhẹt; ma túy và sinh hoạt tình dục không điều độ. Lạm dụng bất cứ điều gì kể trên là con đường hủy hoại thành công của bạn.
25. Không có khả năng hợp tác với mọi người.
Có rất nhiều người đánh mất địa vị của mình do chính sai lầm này chứ không phải những sai lầm khác.
Các nhà lãnh đạo có tai sẽ không chấp nhận những nhân viên có nhược điểm này.
26. Sở hữu quyền lợi không phải do nỗ lực tự thân giành được.
(Ví dụ như con cái của những gia đình giàu có hoặc một số người được thừa kế số tài sản kếch xù. Số tiền không phải do họ nỗ lực để có được quyền lực hay sức mạnh nằm trong tay những người không tự đấu tranh để đạt được. Điều đó sẽ cản trở con đường đến thành công. Giàu xổi còn nguy hiểm hơn cả nghèo túng
27. Cố tình không trung thực.
Không có điều gì có thể thay thế sự trung thực.
Con người đôi lúc có thể tạm thời không trung thực do sức ép của hoàn cảnh mà họ không thể kiểm soát, chứ không phải là bản tính không trung thực của họ.
Còn những người cố tình sống không trung thực thì không còn hy vọng gì.
Sớm hay muộn, điều bí mật cũng sẽ lộ tẩy và họ có thể đánh mất uy tín suốt cả cuộc đời, thậm chí mất cả tự do.
28. Tự phụ và háo danh.
Những người có các tính xấu này thường bị người khác tránh xa. Chúng sẽ khiến bạn thất bại.
29. Đoán mò thay vì tư duy.
Đa số mọi người rất thờ ơ, lười nhác và không thích tìm hiểu sự việc mà đáng lẽ chúng ta cần phải tư duy và cân nhắc.
Họ thường thích nghe theo “ý kiến” của người khác cho dù nhiều khi những ý kiến đó chỉ dựa trên giả thuyết hoặc suy luận rất nông cạn và hời hợt.
30. Thiếu vốn.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân thất bại mà những người mới kinh doanh thường gặp khi không có vốn để bù đắp. Và khôi phục những sai lầm ban đầu hay những khoản lỗ của doanh nghiệp. Và để doanh nghiệp trụ được cho đến khi họ đã xây dựng được danh tiếng hay thương hiệu.